Ngày đăng: 17/02/2012 | Lượt xem: 5978
Quảng cáo Việt Nam phát triển đã hơn 10 năm, nhưng mô hình, cơ cấu tổ chức và các vị trí chức năng chính vẫn còn rất mờ nhạt. Kinh tế thị trường phát triển và kéo quảng cáo cuốn theo trên sự tự phát, thiếu cả hệ thống nhận thức lý luận và đội ngũ nguồn nhân lực biết chuyên môn.
Nhờ sự giúp đỡ của ông Đỗ Kim Dũng, Phó chủ tịch Hiệp hội quảng cáo Việt Nam kiêm Viện trưởng Viện nghiên cứu và đào tạo quảng cáo Việt Nam (ARTI Vietnam) – người có gần 20 năm trong nghề với vai trò điều hành một doanh nghiệp quảng cáo chuyên nghiệp, giúp chúng ta làm sáng tỏ một số vị trí chủ chốt trong một công ty quảng cáo, cũng như chức năng nhiệm vụ, tố chất và kiến thức chuyên môn cần có:
1. Giám đốc chiến lược (Strategy Diretor): Phối hợp cùng Giám đốc marketing hoặc nhãn hiệu của khách hàng hoạch định chiến lược truyền thông marketing (marketing communications) để tung sản phẩm mới, hoặc tái tung; chiến lược định hoặc tái định vị cho một nhãn hàng hoặc một thương hiệu. Vị trí này là quan trọng nhất trong một đại lý quảng cáo (advertising agency). Họ có tầm nhìn chiến lược, am hiểu về marketing, thương hiệu, truyền thông marketing và truyền thông sáng tạo (creative communications). Thông thường ở các công ty cỡ trung thì giám đốc điều hành sẽ giữ luôn vai trò này.
2. Giám đốc dịch vụ khách hàng (Account Director): Họ là người chịu trách nhiệm kết nối, thoả mãn nhu cầu và chăm sóc khách hàng lâu dài. Họ có thể tham gia hoặc trực tiếp cùng khách hàng xây dựng chiến lược truyền thông dựa trên chiến lược marketing mà phòng marketing của khách hàng đưa ra. Họ nắm bắt tốt các yêu cầu từ khách hàng và có trách nhiệm chuyển tải nó về các bộ phận chức năng trong công ty quảng cáo thực hiện tất cả mọi yêu cầu từ nhỏ tới lớn, từ sáng tạo đến truyền thông…Và chính họ là người sẽ trình bày các kế hoạch hoặc ý tưởng này cho khách hàng. Công ty quảng cáo “kiếm tiền” được hay không là do vị trí này. Account Director phải là người giỏi, thông minh, ăn nói khéo, hài hước,thích ứng cao và (đương nhiên) là kiến thức rộng. Họ thường học về marketing, thương hiệu, truyền thông (chủ yếu), am hiểu cả về sáng tạo, PR, Event, POS, OOH ... Nhân viên dưới quyền họ có Account Manager và Account Excutive
3. Giám đốc sáng tạo (Creative Director - CD): Có thể nói 90% các CD này không xuất phát từ các trường mỹ thuật. Để các mẫu quảng cáo làm thoả mãn khách hàng mục tiêu (người tiêu dùng) thì CD cần hiểu biết cả: tâm lý học, xã hội học, văn hoá bản địa, ngôn ngữ, âm thanh, hình ảnh, màu sắc, tạo dáng mỹ thuật,…Ngoài ra CD cũng hiểu biết khá nhiều về marketing, thương hiệu và truyền thông. Nhân viên bên dưới họ có: giám đốc mỹ thuật (art director), viết lời (copywrite), hình ảnh (photographrie); kế hoạch (plan); design…CD xuất thân từ rất nhiều ngành học khác nhau, nhưng họ là người có tố chất, năng khiếu cũng như học, đọc rất nhiều kiến thức khác nhau.
4. Media Director: Đây là vị quan trọng thứ 4 nhưng dịch ra tiếng Việt rất dễ nhầm lẫn. Nếu gọi là Giám đốc truyền thông thì không đúng. Truyền thông (communications) là bao hàm tất cả mọi phương tiện truyền tải thông điệp, hình ảnh quảng cáo đến công chúng. Nó bao hàm cả truyền thông gián tiếp (ATL: Abote The Line) hoặc truyền thông đại chúng (mass communications /); cả truyền thông trực tiếp (BTL: Below The Line) như: PR, event, kích hoạt thương hiệu, POS, POSM…; và cả các loại truyền thông mới như internet, PR 2.0, bloger, forum…(new communications). Media chỉ thuần tuý cho 3 loại: truyền hình (TVC), quảng cáo báo/ tạp chí (PrintAd.) và Radio. Vì 3 loại này luôn chiến trên 60% ngân sách quảng cáo nên vị trí này cũng rất cần người giỏi, am hiểu về phương tiện media, tính toán các giá trị định lượng trong chỉ số tiếp cận khách hàng mục tiêu (rating). Nhân viên của họ thường có các vị trí sau đây: Planning, Booking, Buying, Report, Rating…Giám đố Media thường là nữ, cẩn thận, giao tiếp khéo léo. Họ cần học về thương hiệu, truyền thông, am hiểu media và có một ít kiến thức về account cũng rất tốt
5. Các vị trí khác như: Promotions, PR, Event, OOH (out of home)…cũng rất quan trọng nhưng thường chỉ là cấp trưởng phòng quản lý (manager). Trong một đại lý quảng cáo, các dịch vụ này họ thường hợp tác (mua) bên ngoài từ một công ty chuyên ngành. Những năm gần đây các loại hình quảng cáo này phát triển rất mạnh, ngân sách lớn nên đại lý quảng cáo cũng xây dựng nguồn nhân lực của mình để tư vấn khách hàng lựa chọn mua vị trí, mua chương trình và tìm nhà cung cấp tốt nhất. Vì vậy người làm quản lý công việc này cần học sâu về chuyên ngành để tác nghiệp nghiệp vụ thật giỏi. Nhưng để bán, hợp tác tốt được với khách hàng hay đại lý quảng cáo thì họ cũng cần học thêm kiến thức về account, marketing, thương hiệu. Trên thực tế, các công ty quảng cáo chuyên ngành hay gọi tên “ Phòng kinh doanh” để tiếp thị, tìm kiếm khách hàng bán các sản phẩm (pano, bảng hiệu, Media, OOH…), các dịch vụ POS, POSM hoặc các chương trình, ý tưởng, kế hoạch về PR, Event…Đây là cách làm không thật sự hiệu quả. Tốt nhất là hình thành bộ phận Account chuyên nghiệp, được đào tạo kiến thức “6 trong 1” (một người học 6 chuyên môn: marketing, brand, PR, event, creative, products). Khi đó nhân viên account này biết rất rõ sản phẩm, dịch vụ của mình cần “bán” hay tiếp thị cho ai, chứ không nên đi gõ cửa hàng ngàn khách hàng mà họ không có nhu cầu. Giá trị vô hình của quảng cáo rất cao. Ví dụ như billboard này chỉ bằng 50% diện tích của billboard khác nhưng giá bán của nó lại cao hơn. Nếu không có kiến thức nghiệp vụ chuyên sâu thì bạn khó thuyết phục được khách hang và đại lý quảng cáo. Khách hàng rất thông mình và hiểu biết, vì vậy nhân viên “bán” quảng cáo trong bất kỳ một công ty quảng cáo lớn nhỏ nào cũng đòi hỏi có “kiến thức nghiệp vụ chuyên ngành riêng biệt”.
Trong công ty quảng cáo không có chức danh chuyên viên hoặc trưởng phòng quảng cáo. Vị trí này chỉ có trong các công ty SX-KD, nằm trong phòng marketing hoặc thương hiệu. Nếu muốn thành “nhà quảng cáo chuyên nghiệp” thì bạn hãy hướng mục tiêu cụ thể của mình vào các vị trí nêu trên và tìm kiếm những chương trình đào tạo nghiệp vụ chuyên sâu nhất. Bạn có thể tham khảo các trang website đào tạo chuyên ngành sau: arti.edu.vn/ arti.org.vn; ias.org.sg; iact.edu.my hoặc: iaaglobal.org (trong mục Education / Accredited institute) có hàng trăm tên học viện đào tạo quảng cáo để bạn tham khảo. Chúc bạn thành công.
Hải Quảng
Tags: